Hội thao thanh thiếu nhi Nhật Bản, trải nghiệm không thể quên
Những ngày tháng 10, tháng 11 ở Nhật, các gia đình có con nhỏ chắc chắn sẽ có chung một đề tài vô cùng thời sự và nóng bỏng, đó là ngày hội thao (undokai).
Cả nhà đi hội thao
Có thể xem ngày hội thao, từ nhà trẻ cho đến cấp III, là sự kiện lớn nhất trong năm đối với người Nhật. Ông bà nội ngoại hai bên tay xách nách mang cơm hộp, ghế đẩu để tận mắt chứng kiến các cháu trưởng thành thế nào. Mẹ dậy từ sớm để làm cơm nắm, chuẩn bị bữa trưa cho cả đại gia đình khi có dịp sum họp thế này. Cha thì bận rộn chuẩn bị làm phó nháy để lưu lại những khoảnh khắc chỉ có thể diễn ra một lần trong đời của những vận động viên Olympic tương lai nhí. Và đương nhiên, những nhân vật chính, sau khoảng một tháng đổ mồ hôi tập dượt, đây là lúc chứng tỏ cho ông bà, cha mẹ thấy “con đã lớn khôn”.
Đúng vậy, “ngày hội thao” ở Nhật hoàn toàn không phải là một hoạt động mang tính chuyên môn dành cho những bạn nhỏ có năng khiếu thể thao, thể chất vượt trội, được tuyển lựa gắt gao để đào tạo từ nhỏ. Đó là hoạt động mang tính cộng đồng, thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình nhất.
Ngày hội thao hằng năm là dịp phụ huynh cảm nhận rõ ràng sự phát triển tinh thần, thể chất của con mình trong 5-6 năm đầu đời của trẻ. Từ một đứa bé chỉ mới biết bò, còn khóc váng khi được cô bảo mẫu dắt ra giữa sân vận động để múa một điệu nhạc dù rất quen thuộc, một năm sau đã hăm hở đứng vào hàng chạy đua cùng các bạn. Từ hai bạn nhỏ còn giành nhau một chiếc xe tập đi, nước mắt nước mũi lem nhem, 4 năm sau đã cùng nhau “cạnh tranh” sòng phẳng trên đường chạy.
Từ một bạn trai nhút nhát, bám cứng cô giáo, 5 năm sau đường hoàng đĩnh đạc phụ cô chuẩn bị cho tiết mục của các lớp nhỏ hơn. Vâng, còn gì quý giá hơn những thước phim tài liệu như vậy. Và bạn biết không, không ít phụ huynh vừa ngắm nhìn đứa con bé bỏng của mình đang say sưa với tiết mục vừa nhạt nhòa nước mắt khi những thước phim tài liệu quay chậm ấy cứ hiện về trong đầu.
Mới hôm nào con chập chững tập đi, nay vững bước trên cặp cà kheo. Mới năm nào còn tức tưởi khi bị ngã giữa đường chạy, nay nhảy cẫng vui sướng khi về hạng nhất. Mới năm nào còn nhỏ hơn chiếc trống con, nay hạnh phúc rạng ngời nâng chiếc trống trong điệu nhạc truyền thống của địa phương.
Chung một vạch xuất phát
Và tôi, những năm đầu làm mẹ, thêm phần bỡ ngỡ trước những sinh hoạt học đường chưa từng được trải qua trong đời như thế này, tôi cảm nhận sâu sắc giá trị của những giờ phút cùng gia đình, cùng nhà trường, địa phương chia sẻ, nâng đỡ sự trưởng thành của một đứa trẻ. Ở đây, tất cả những đứa trẻ đều đứng chung một vạch xuất phát, đứng chung một đấu trường mang tên “niềm vui” và được nhận tất cả những tràng pháo tay cổ vũ. Không có chuyện bạn chạy nhanh sẽ đại diện, bạn chạy chậm sẽ phải ngậm ngùi đứng ngoài làm khán giả.
Không có chuyện một đứa bé chậm phát triển sẽ chịu bơ vơ, lạc lõng giữa các bạn mạnh khỏe mà không được tận hưởng những niềm vui trưởng thành. Cô và bạn sẽ cùng em múa bởi nụ cười của bé nào cũng đem lại ánh nắng trong tim như nhau. Cũng không có chuyện cả lớp phải thật đều tăm tắp trong từng động tác để không làm mất mặt cô giáo. Dù đứng giữa tập thể, những đứa trẻ vẫn được tự do tỏa sáng nhất theo cách của mình.
Không thể không nhắc đến sự hiện diện và tham gia nhiệt tình của những ông bố – vốn quanh năm suốt tháng bận rộn với công ăn việc làm. Tôi nghĩ, chắc chắn khoảnh khắc những đứa trẻ nhảy cẫng hồ hởi cổ vũ bố trên đường chạy là những khoảnh khắc đem lại nụ cười rạng rỡ nhất, ngọt ngào nhất cho cả gia đình trong suốt cuộc đời.
Với diện tích có hạn của trường, thường thì hội thao sẽ được tổ chức ở một nhà thi đấu hoặc sân vận động nhỏ của địa phương. Trẻ tập dượt ở trường và có một tuần làm quen với mặt sân cho ngày chính thức. Các lớp từ 0 tuổi (4-12 tháng tuổi) cho đến lớp 5-6 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 đều có tiết mục tương đương với sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
Sẽ là tiết mục bò qua các tấm đệm (chướng ngại vật), là chạy đua đến chỗ cô giáo thân thương dành cho các lớp nhỏ, lớn hơn một chút là tiết mục đồng diễn, chạy đua, chạy tiếp sức, vượt chướng ngại vật, đi cà kheo, nhảy bục, chạy tiếp sức cùng cha, mẹ, ông, bà và thậm chí thách đấu với cô giáo…
Không tôn vinh thành tích
Ở địa phương Okinawa, tiết mục của lớp lá luôn là tiết mục “đinh” trong chương trình hội thao. Bởi những đàn anh đàn chị nhí này được cầm trên tay chiếc trống, hãnh diện khoác lên người bộ trang phục đầy ngưỡng mộ để trình diễn tiết mục múa trống Eisa. Không hô hào gìn giữ văn hóa truyền thống, nhưng qua hoạt động của nhi đồng, văn hóa truyền thống tốt đẹp vẫn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những đứa trẻ lớn lên trong tiếng nhạc hào hùng, những nhịp trống, những động tác dứt khoát, tất cả nuôi dưỡng thể chất và tâm hồn hơn hẳn những lời hô hào, kêu gọi suông từ người lớn.
Trước đó là những trò chơi vận động, không kêu gọi thành tích, không tính giờ tính phút tính giây, chỉ tính nụ cười, chỉ nghe tiếng hô ủng hộ, và những “phó nhòm” lăn xả theo cách chuyên nghiệp nhất có thể. Nhưng đó cũng là đấu trường Olympic với đầy đủ ý nghĩa nhất của nó. Ở đó, ta có thể bắt gặp những đứa trẻ ngây thơ nhưng đã sớm thể hiện tấm lòng nhân ái khi biết đỡ bạn bị ngã, những đứa trẻ vừa khóc nức nở do bị té vừa chạy cho hết đường đua mà không bỏ cuộc nửa chừng để ăn vạ.
Và sau đó là gì? Những chiếc huy chương bằng giấy xếp origami theo các bạn nhỏ vào tận giấc mơ. Là một sân vận động sạch sẽ như chưa từng xảy ra một ngày hội thao sôi động trước đó, theo ám ảnh một người Việt xa xứ.
Theo TTO
No Comments